Mẹ ơi, con chênh vênh một tí thôi
Mẹ ơi, con chênh vênh một tí thôi

"Lúc ấy nó còn nhỏ, còn có mẹ chở che, còn có mẹ, để là cái cớ nó mắc sai lầm, là cái cớ để nó ngô nghê không hiểu chuyện. Lớn rồi nó mới biết, cái thân xác phổng phao này của nó, chiếc ô cỡ lớn của mẹ sắp không che nổi rồi. Giờ phút sắp cất cánh khởi hành cho chuyến bay tới miền mơ ước, nó sợ..."

Sài Gòn hôm nay mưa.

Ngân Hà đóng cửa sổ, sợ mưa tạt vào nhà. Cơn mưa ào ào ập tới không báo trước làm nó phản ứng không kịp. Có mưa, tâm trạng nó vui lên đôi chút. Có lẽ vì tiếng mưa lào rào khiến không khí bớt im ắng. Nó tự cho là mình trầm tính, nhưng nó thấy ngột ngạt trong không gian không một tiếng động này, không gian trong căn hộ của chị nó. Từ giữa cuối năm lớp 12, mẹ Ngân Hà và dì lớn của nó đã nói chuyện, bàn tính để nó vào ở ké nhà của con gái dì, chị Huyền. Mới đó mà chuyện cũng 1 năm trước rồi. Ngân Hà ngước nhìn cửa sổ, nó không muốn kéo rèm, nó muốn nhìn màn mưa tung tăng ngoài kia. Nước mưa va vào thanh lan can, vỡ choang. Mỗi đợt như thế, tâm trí Ngân Hà lại rời thực tại xa thêm đôi chút, từng giọt, từng giọt, rơi thẳng trên mảnh vườn kí ức.

Nó tốt nghiệp cấp 3 rồi. Nó không còn là học sinh nữa.

Nó thấy không ấn tượng mấy về những ngày tháng cuối cùng đời học sinh của nó. Cái nó còn nhớ là những lần nó cùng mẹ đi bộ trên con đường làng, mẹ đã nói với nó: “Còn 2 tháng nữa… rồi 1 tháng nữa… Còn 2 tuần… Còn en-nờ ngày nữa… - cột mốc quan trọng, bước ngoặt lớn trong cuộc đời con sẽ tới!” Nó nhớ trên từng hạt cát viên sỏi nó giẫm lên ở nơi đồng quê lộng gió, tiếng mẹ vang vọng như có như không, và giữa màn đêm mờ mịt, nó nổi da gà trước những băn khoăn không rõ của một đứa trẻ “sắp bước vào đời” cứ thoắt ẩn thoắt hiện.

Ngần 18 năm, mẹ lúc nào cũng che chở nó. Từ thi vở sạch chữ đẹp đến thi tốt nghiệp THPT, tất cả những cuộc thi đó, mẹ đều đồng hành cùng nó. Lúc đi gởi đơn đăng ký xét tuyển ở bưu điện, mẹ đi với nó. Lúc đi nhập học ở ngôi trường mới, mẹ cũng đi cùng nó. Nó biết thế, nó thương mẹ, nhưng nó cũng sợ, sợ nó sẽ không đủ tài cán mà bù đắp cho sự hy sinh đó. Lễ tri ân năm nào, đứng trên sân khấu nó đã không kiềm được nước mắt: “Con được như ngày hôm nay, tất cả, là nhờ có mẹ.”

Lúc nhỏ ấy à, nó ước mơ sau này lớn lên sẽ thật giàu có, sẽ xây một căn nhà, không, một căn biệt thự to đùng để rước ba mẹ, anh hai vào ở cùng nó. Ở đó có hồ bơi, có hàng cây mát rượi, có cả gia đình nó sung túc vui cười. Lúc ấy nó còn nhỏ, còn có mẹ chở che, còn có mẹ, để là cái cớ nó mắc sai lầm, là cái cớ để nó ngô nghê không hiểu chuyện. Lớn rồi nó mới biết, cái thân xác phổng phao này của nó, chiếc ô cỡ lớn của mẹ sắp không che nổi rồi. Giờ phút sắp cất cánh khởi hành cho chuyến bay tới miền mơ ước, nó sợ.

Rốt cục, nó cũng đậu vào ngôi trường Đại học đưa nó đến gần tới ước mơ thuở bé. Ngày nó nhập học ở ngôi trường mới, trời mưa tầm tã. Mưa đến nhanh quá, người ta không kịp trở tay thu dọn mấy xạp hàng chào đón tân sinh viên. Đến cả mẹ cũng không kịp chạy ra kéo nó vào hiên nấp.

Ngày hôm đó, nó bị ướt mưa.

Cơn mưa ấy cũng đến bất chợt thế này. Cơn mưa ấy, cũng khiến nó không kịp trở tay thế này.

Ngân Hà bỗng nhớ nhà, nhớ mẹ. Mấy hôm dì Út từ bên Đức về thăm, gặp nó dì hỏi: “Thấy có nhớ nhà không con?”, nó cười cười: “Con thấy bình thường dì Út ơi!” Giờ nó mới biết dì Út hỏi thiệt.

Những ngày tháng chập chững nơi giảng đường Đại học, cũng là những ngày tháng nó loay hoay thích nghi ở cái thành phố xa lạ phồn hoa – Sài Gòn. Con bé lơ ngơ ngước cổ nhìn thành thị tấp nập, vừa vui vui, mà cũng vừa lo lo. Sài Gòn có những hàng quán xanh xanh đo đỏ. Sài Gòn có mấy tòa nhà chọc trời. Sài Gòn có những cơn mưa rào đột ngột, chợt mưa, chợt tạnh. Sài Gòn, cái chốn tấp nập người đông đó, lại không có mẹ. Nó lắng tai nghe nhịp sống rộn ràng của Sài Gòn, sao nó thấy xa lạ quá. Tự nhiên, nó thèm được nghe những câu từ từng lặp đi lặp lại khiến nó phát ngán: Còn 1 tháng nữa, còn 2 tuần nữa…

Cái thời cấp ba mà nó luôn ưỡn ngực tự hào ấy qua rồi, qua cả năm trời. Ngân Hà, cái tên của nó bao giờ cũng nằm hàng đầu, bèo bọt lắm cũng hàng hai trong danh sách điểm cao của lớp, của trường. Cấp 2, cấp 3, nó đều thủ khoa đầu vào. Nó không lấy làm kiêu, không chảnh. Nhưng làm sao ngăn được nó hãnh diện, tự coi mình xuất chúng đây?

Buồn cười lắm, trước nó nghe người ta truyền nhau cụm từ “peer pressure”. Lúc đó nó xuề xòa cho qua, thầm nghĩ chẳng bao giờ nó phải áp lực đồng trang lứa. Nó đã nghĩ mình đặc biệt, nó đã nghĩ nó là chính nó – là một “nó” tài giỏi, nó đã nghĩ nó tin tưởng bản thân mình. Rồi nó lên Đại học. Bạn bè muôn phương ở ngôi trường danh tiếng đó vả thẳng vào niềm kiêu hãnh của nó. Nó không hay ho như nó nghĩ, nó cũng như bao người thôi, rồi nó cũng sẽ hiểu cảm giác “peer pressure” thôi. Nó xấu hổ vì không đậu nổi vào câu lạc bộ học thuật. Lần nữa sau 10 năm, nó thấy lại con 4 nằm chễm chệ trong bảng điểm của nó. Rồi lần đầu tiên trong cuộc đời, nó lo lắng mình không được loại giỏi. Nó không còn đứng nhất, và phải băn khoăn liệu người ta có coi thường mình không. Nó lại thức khuya nữa, lại uống thứ đồ uống có cồn kia… Nó lại không biết mình nghĩ gì, muốn gì nữa… Và nó chọn cách buông thả, mặc cho cuộc đời tha nó đi.

“Một trái tim vô tri, và một cuộc đời vô vị”, nó chưa từng đồng cảm với câu nói đó nhiều như lúc này. Là như thế thật sao? Nó không cam tâm! Nhưng nó vẫn ngồi đó, nhìn ngắm mình trượt dốc, và nhìn ngắm bầu trời đầy mơ ước đó, xa dần, xa dần…

Nó nhìn màn mưa, thầm thở dài. “Mẹ ơi, con chênh vênh một tí có được không mẹ…”

Chỉ một tí thôi, nó tin là thế.

© Griselda Luwin - blogradio.vn

Copyright © 2025 LeTuyen. All rights reserved.