Tư duy như đại bàng: 4 Bài học phát triển bản thân
Tư duy như đại bàng: 4 Bài học phát triển bản thân

"Tập tính tự nhiên của loài đại bàng có thể giúp chúng ta vỡ ra được không ít bài học cuộc sống ý nghĩa..."

Trong chuyến đi Mông Cổ dài ngày, mình đã có dịp tiếp xúc với thợ săn đại bàng, là những người dân địa phương sống bằng nghề huấn luyện đại bàng. Đối với họ, đại bàng không phải là vật nuôi mà là cộng sự. Họ sử dụng loài chim này để săn những loài vật nhỏ hơn như cáo, sóc,... Đại bàng sẽ được ăn thịt con mồi còn thợ săn sẽ thu thập lông thú làm trang phục.

Người thợ săn chỉ nuôi, huấn luyện và sử dụng đại bàng đi săn cho đến tuổi trưởng thành. Khi đại bàng khoảng 16-18 tuổi, có thể "lập gia đình", họ sẽ thả nó về với thiên nhiên. Chính câu chuyện về mối quan hệ hợp tác thú vị đó đã cho mình nguồn cảm hứng để tìm hiểu nhiều hơn về chúa tể của bầu trời và thực hiện bài viết này. Khi nhìn sâu vào tập tính tự nhiên của loài đại bàng mình đã vỡ ra được không ít bài học cuộc sống ý nghĩa.

1. Đại bàng thích những cơn bão

Bạn có biết đại bàng được xem là loài chim duy nhất yêu thích những cơn bão không? Khi cơn bão kéo đến, hầu hết các loại chim khác sẽ tìm nơi trú ẩn, rúc vào các tán cây hoặc hốc đá để tránh bão. Còn đại bàng không như vậy, khi cảm nhận được sự thay đổi, bầu trời u ám và bắt đầu có tiếng sấm, chúng tỏ ra phấn khích như thể một cuộc vui sắp bắt đầu.

Nhưng thực chất đại bàng không “thích” bão vì muốn vui chơi, tận hưởng, theo kiểu nhạc nổi lên rồi, quậy thôi mà bởi vì “trong cái khó ló cái khôn”. Ở trong cơn bão, đại bàng có thể:

Bay cao hơn, dễ săn mồi hơn: Khi bão đến, những luồng khí nóng ẩm bốc lên tạo thành các dòng đối lưu mạnh mẽ. Đại bàng tận dụng những dòng khí này để bay cao hơn, nhờ đó, tầm quan sát của chúng rộng hơn và dễ dàng tìm kiếm con mồi hơn. Tiết kiệm năng lượng: Khi bay trong lòng bão, đại bàng có thể tận dụng các dòng khí xoáy để "lướt" đi mà không cần vỗ cánh quá nhiều. Loại bớt kẻ thù: Trong những cơn bão lớn, các loài chim săn mồi nhỏ hơn thường tìm nơi trú ẩn. Điều này giúp đại bàng có ít đối thủ cạnh tranh hơn. Từ những điều trên, có thể thấy đại bàng có khả năng thích nghi với hoàn cảnh cực kỳ tốt. Tất nhiên là chơi với bão thì cũng có ngày bị thương, nhưng cách đại bàng đương đầu với cơn bão là điều mà chúng ta có thể học hỏi. Nó không phải theo nghĩa lợi dụng lúc nguy khó để cạnh tranh với đối thủ, mà là dám đối mặt để thử thách để tìm cơ hội phát triển.

Giống như câu nói: If you ask for growth, don't be surprised if the challenges come. (Tạm dịch: Nếu muốn phát triển thì đừng bất ngờ nếu gặp va vấp trong đời.) Những lúc chúng ta đau nhất, cũng thường là lúc chúng ta đang có cơ hội học được những bài học lớn nhất.

2. Đại bàng không thèm để ý tới quạ

Đại bàng được mệnh danh là chúa tể bầu trời, chúng ở trên muôn loài trong thế giới trên không. Vậy mà vẫn có một loài chim dám tấn công đại bàng, đó là những con quạ, loài chim có trí thông minh mà theo một số nghiên cứu chỉ ra là sánh ngang với cá heo và vượn người.

Khi thấy lãnh thổ bị đe doạ, loài quạ sẽ tập trung thành bầy để liên tục quấy rối và xua đuổi đại bàng bay đi. Nhưng cũng có khi chỉ vì bản tính thích tò mò tọc mạch của mình nên những con quạ muốn trêu chọc “ông kẹ” đại bàng một chút. Chúng đậu lên đại bàng khi đại bàng đang nghỉ ngơi để mổ vào cổ, hoặc kêu to để làm phiền.

Đại bàng có khi sẽ làm ngơ phớt lờ. Nhưng đôi lúc nó sẽ phản ứng lại bằng cách bay lên cao. Khi tới một độ cao nhất định, không khí càng loãng, con quạ càng khó thở, tới một lúc nào đó quạ sẽ không chịu nổi do thiếu oxy và tự bỏ cuộc với trò phá đám của mình.

Bạn thấy đó, đại bàng không cần phải chiến đấu với con quạ, nó chỉ cần làm tốt thứ nó làm thôi.

Chúng ta cũng đừng nên bị xao nhãng bởi những người cản đường. Họ có thể đi cùng khi chúng ta bắt đầu hành trình, nhưng nếu bạn cứ kiên định hướng tới mục tiêu, tránh mất năng lượng vào những người tò mò tọc mạch, thì sớm thôi những chướng ngại vật sẽ rơi rớt lại phía sau.

3. Đại bàng cũng biết hợp tác

Thường được biết đến như những kẻ săn mồi đơn độc, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, đại bàng vẫn có thể hợp tác để bảo vệ lãnh thổ hoặc cùng tác chiến săn mồi. Đặc biệt, trong trường hợp con mồi quá lớn hoặc nguy hiểm, hai con đại bàng có thể phối hợp tấn công, một con giữ mồi trong khi con còn lại tấn công đối thủ từ phía sau.

Đó là chưa kể đến việc đại bàng có sự hợp tác rất chặt chẽ trong việc nuôi dạy con cái. Cả con đực và con cái đều tham gia vào việc nuôi dạy con non, cùng nhau săn mồi, bảo vệ tổ và dạy con các kỹ năng sinh tồn.

Thế nên, chúng ta dù có là những người có năng lực thì khi nhắm tới những mục tiêu lớn cũng nên học cách hợp tác. Cả hai bên cùng hưởng lợi và chinh phục được thử thách mới, vậy thì tại sao không?

4. Đại bàng liên tục mài giũa bộ móng

Và điều cuối cùng mình muốn nói đến cũng là điều đặc biệt nhất đối với mình. Khi tìm hiểu về đại bàng mình có đọc được một thông tin thế này. Khi đến một độ tuổi nhất định, đại bàng buộc phải bay vào rừng sâu, tìm một nơi vắng vẻ an toàn để bắt đầu giai đoạn đau đớn nhất cuộc đời. Nó cần phải đập đầu vô đá để làm vỡ cái mỏ già nua yếu ớt, quá trình này sẽ cực kỳ đau đớn và mất nhiều tuần liên tục.

Cho đến khi cái mỏ mới rắn chắc và khỏe mạnh hơn mọc trở lại, nó mới dùng cái mỏ đó để nhổ hết lông và móng vuốt, thay thế bằng phiên bản mới tốt hơn. Có như vậy, đại bàng mới có thể tiếp tục săn mồi và kéo dài tuổi thọ.

Lúc mình đọc được câu chuyện này về sự tái sinh của đại bàng, trong não mình như có một cú nổ nhỏ vậy. Ồ, hoá ra đại bàng cũng cần lột xác để trở thành phiên bản tốt đẹp hơn. Nó nhắc nhớ chúng ta về việc cần bỏ đi phiên bản cũ để tiếp tục phát triển dù có đau đớn đến cỡ nào.

Thế nhưng khi tìm hiểu kỹ hơn mình mới phát hiện ra đây chỉ là một câu chuyện huyền thoại được thêu dệt, chứ không có bằng chứng khoa học. Khi biết như vậy, mình đã cảm thấy khá hụt hẫng.

Nhưng nhờ quá trình đi tìm hiểu thực hư mà mình lại học được những điều hay ho khác. Những câu chuyện đầy cảm hứng ở trên mạng chưa chắc là sự thật, hoặc chỉ là một phần của sự thật và chúng ta cần phải tỉnh táo khi tiếp thu thông tin.

Bên cạnh đó, chuyện đại bàng tái sinh có thể không đúng sự thật, nhưng chuyện đại bàng nỗ lực để phát triển bản thân là có thật. Móng vuốt của đại bàng có thể bị quặp lại và yếu đi nếu chúng chỉ bắt những con mồi nhỏ trong thời gian dài. Người xưa có câu là bảo kiếm lâu ngày ở trong vỏ thì cũng sẽ bị rỉ sét. Có thế mạnh mà không biết mài giũa thì đến một ngày thế mạnh đó có thể biến thành thứ ngáng đường.

Suy nghĩ cuối

Với những đức tính dũng mãnh như vậy không phải vô cớ mà đại bàng được xem là biểu tượng của sự tự do, sức mạnh và khát vọng. Nhưng bài viết này không kêu gọi bạn phải luôn sống như đại bàng.

Dù bạn thích hình ảnh đầy kiêu hãnh của đại bàng hay sự thảnh thơi của chim sẻ, mình nghĩ điều quan trọng không phải là bạn có thể bay cao xa như thế nào, mà là việc bạn dám bay lên từ nơi mình đang đứng và bứt phá khỏi những giới hạn riêng của mình.

Shutterstock

Copyright © 2025 LeTuyen. All rights reserved.